top of page

MVP trong khởi nghiệp?

Một ý tưởng độc đáo là giá trị cốt lõi để bắt đầu phát triển một ứng dụng tuyệt vời. Mặc dù mọi ứng dụng đều bắt đầu bằng một ý tưởng, nhưng việc định hình ý tưởng thành một ứng dụng độc đáo và đầy đủ tính năng đòi hỏi phải lựa chọn các công nghệ hữu ích và cách phát triển ứng dụng một cách khôn ngoan. Ngày nay, cách tiếp cận theo kiểu MVP (sản phẩm khả thi tối thiểu) đã trở nên đặc biệt phổ biến để phát triển nhanh và bổ sung giá trị hay tính năng dần dần. Phát triển ứng dụng MVP để khởi nghiệp là một cách tiếp cận tập trung vào các khía cạnh cơ bản cốt lõi và đơn giản cũng mang lại lợi thế về chi phí và tốc độ cho các công ty khởi nghiệp.

Thay vì xây dựng một ứng dụng lớn và đầy đủ tính năng, bạn chỉ có thể bắt đầu với một ứng dụng cơ bản trong một ngân sách nhỏ và sau khi dựa vào sự phản hồi của khách hàng các bạn sẽ phát triển các chức năng phù hợp để giúp trải nghiệm người dùng ứng dụng tốt hơn theo thời gian.



Bài trước mình đã giới thiệu cho các bạn định nghĩa chi tiết và lợi thế khi sử dụng MVP, bài này mình sẽ giới thiệu cho các bạn cách mà các công ty lớn đã áp dụng MVP để khởi nghiệp như thế nào.


Spotify



Spotify là một trong những ứng dụng phát nhạc trực tuyến hàng đầu hiện nay với hơn 271 triệu người nghe hoạt động tại 79 quốc gia trên toàn thế giới (vào thời điểm mình viết bài này ^^). Spotify theo nhiều cách là một ứng dụng độc đáo thực sự có thể giúp trải nghiệm và mở ra năng lực sáng tạo của con người. Nó cho phép hàng triệu nghệ sĩ và ca sĩ xuất bản âm nhạc của họ và chia sẻ nó với hàng triệu người. Khi nói đến những cách mới để trải nghiệm âm nhạc và được truyền cảm hứng để sáng tạo thì không ứng dụng nào sánh kịp Spotify (ý kiến chủ quan của mình, vì hồi đó spotify chưa có mặt ở Việt Nam thì mình đã phải xài proxy để có thể sử dụng nó, và khi Spotify vừa hạ cánh đến Việt Nam thì mình đã đăng ký ngay tài khoản premium ^^).

Bạn có muốn biết làm thế nào mà Spotify đạt được vị trí như ngày hôm nay không? Vâng, ứng dụng thực sự đã hoạt động dựa trên rất nhiều sự phản hồi của người dùng và bằng cách học hỏi hành vi sử dụng của người dùng. Spotify đã phát triển, đánh giá, học hỏi và ứng dụng MVP vào cách tiếp cận phát triển sản phẩm của mình một cách rất thành công.

Về mặt này, đáng để lấy cảm hứng từ cách Spotify bắt đầu hành trình của mình như là một ứng dụng đại diện của mô hình MVP và trở thành một trong những ứng dụng thành công nhất trong thời gian ngắn một cách nhanh chóng. Spotify đã phát triển từ vài tính năng đơn giản, theo thời gian nó đã trở thành một ứng dụng rất đa dạng với hàng loạt tính năng phức tạp và đa giao diện người dùng. Spotify thành công bằng cách kết hợp thiết lập tinh gọn, phương pháp Agile cùng với hướng tiếp cận theo kiểu MVP.

Ứng dụng Spotify về cơ bản được bắt đầu với mục tiêu: cho phép mọi người truy cập đúng nhạc vào đúng thời điểm và đồng thời duy trì một nền tảng để xuất bản các tác phẩm âm nhạc gốc từ các nghệ sĩ thuộc các thể loại khác nhau. Spotify đã tạo ra một mô hình kinh doanh để chia sẻ doanh thu với các nghệ sĩ, tùy thuộc vào số lượng bài hát của họ được chia sẻ bởi người dùng. (mô hình này được học hỏi từ Apple)

Spotify đã được bắt đầu phát triển như một MVP với các tính năng cơ bản, loại bỏ giao diện phức tạp, tập trung vào các tính năng khả dụng chính và các tính năng có thể bổ sung tiếp theo. Bắt đầu với cách tiếp cận MVP và phiên bản ứng dụng cơ bản, Spotify cho phép rất nhiều lần “đập đi xây lại” dựa trên cơ sở phản hồi họ nhận được từ người dùng trong trong nhiều năm (trong vòng 10 năm kể từ version đầu tiên được release vào ngày 18/12/2010, đến nay Spotify đã có tất cả 155 phiên bản)

Bây giờ để hiểu cách tiếp cận MVP này thực sự hiệu quả với Spotify ra sao, chúng ta hãy xem xét các giai đoạn khác nhau mà ứng dụng đã trải qua.

Khái niệm: Ở giai đoạn này, ý tưởng cơ bản và khái niệm về sản phẩm ứng dụng đã được hiện thực hóa và đưa vào nguyên mẫu để xác nhận thêm.

Phát triển: Ở giai đoạn này, dựa trên nguyên mẫu, một ứng dụng vật lý (có thể tương tác, nhìn thấy và sử dụng được) được xây dựng có thể được kiểm thử. (Mình dùng từ kiểm thử vì nó là sự kiểm tra và thử nghiệm)

Phát hành: Phát hành ứng dụng MVP này trên thị trường đồng thời cho phép phản hồi liên tục từ người dùng về các khía cạnh khác nhau của sản phẩm ứng dụng.

Lặp lại và thay đổi: Ở giai đoạn này, trên cơ sở phản hồi nhận được về ứng dụng MVP tương ứng, một loạt các lần lặp được thực hiện. Sau khi lặp lại và thay đổi được hoàn thành, sản phẩm được phát hành trên thị trường ứng dụng.

Spotify tin vào việc phát triển ứng dụng lặp đi lặp lại một cách từ từ, và bổ sung giá trị theo thời gian có thể thực sự cải thiện ứng dụng của họ từng chút một, và thực sự có thể định hình thành công mà nó hiện đang có. Đây là một trong những ví dụ điển hình nhất về ứng dụng MVP thành công mà các công ty phát triển ứng dụng di động có thể học hỏi. Chính bản thân mình cũng đang học hỏi phương pháp này để bắt đầu một ứng dụng miễn phí cho cộng đồng, hi vọng nó có thể ra thị trường trong vòng 3 tháng ^^


Airbnb



AirBed & Breakfast là tên thương hiệu đầu tiên của ứng dụng đặt phòng toàn cầu Airbnb. Bắt đầu với một ý tưởng cung cấp cho mọi người chỗ ở xung quanh vịnh San Francisco để phục vụ cho một hội nghị thiết kế sắp tới, và sau đó nó đã trở thành một thương hiệu toàn cầu trong những năm qua và trở thành người khổng lồ không bị kiểm soát trong ngành công nghiệp lưu trú.

Những nhà đồng sáng lập đã sớm nghĩ ra một mô hình: cho phép chủ nhà cho thuê không gian và gác xép cho khách du lịch. Chẳng mấy chốc, ý tưởng độc đáo đã khai sinh ra một thương hiệu kinh doanh, tiếp tục trở nên phổ biến trên toàn cầu và trở thành thương hiệu khách sạn lớn nhất mà không thật sự sở hữu bất cứ phòng nào.

Việc mở rộng một ý tưởng đơn giản bắt đầu từ một trang web đặt phòng thông thường, dần dần kết hợp nhiều giá trị bổ sung hơn khi doanh nghiệp bắt đầu phát triển và lượng đặt phòng bắt đầu tăng. Đây chắc chắn là một ví dụ kinh điển về cách tiếp cận MVP khi bắt đầu với một ý tưởng cơ bản và phát triển nó theo thời gian.


Instagram



Nhiều người đã không biết rằng Instagram, ứng dụng chia sẻ hình ảnh phổ biến nhất thế giới đã khởi đầu như một ứng dụng MVP. Đáng ngạc nhiên, Instagram ngay từ đầu đã không tập trung vào việc chia sẻ hình ảnh. Nó chỉ là một ứng dụng cho phép người dùng check in và chia sẻ vị trí (địa điểm) của họ giống như ứng dụng Foursquare.

Các người dùng tiên phong này thay vì sử dụng các tính năng phức tạp khác trên Instagram thì họ cảm thấy việc chia sẻ hình ảnh trên nền tảng này khá dễ dàng và tính năng phổ biến này đã định hình Instagram như chúng ta biết ngày nay. Vì vậy, bắt đầu như một khái niệm cơ bản và sau đó thông qua quá trình lặp lại và phản hồi của người dùng, ứng dụng chỉ trở nên tốt hơn và cung cấp một cái gì đó hoàn toàn khác với những gì nó dự định ban đầu. Đây là một ví dụ cổ điển về cách tiếp cận MVP để phát triển ứng dụng di động. (Sản phẩm mình tưởng sẽ thành công với những gì mình dự tính ban đầu nhưng hóa ra nó thành công hoàn toàn dựa vào tính năng khác, nhưng điều quan trọng chúng ta phải biết tính năng thành công là tính năng nào, điều đó chỉ có thể dựa vào sự phản hồi của người dùng, giống như tính năng nghe nhạc shuffle mà Apple đã tạo ra, ban đầu nó chỉ là “cơm thêm” mà thôi ^^)


Dropbox



Dropbox là một ví dụ ứng dụng MVP nổi bật khác mà các nhà phát triển có rất nhiều điều để học hỏi.

Kể từ ý tưởng được nuôi dưỡng bởi Drew Houston và nhóm nhà phát triển của anh ấy không thể được đánh giá, kiểm chứng và nhận phản hồi của người dùng, vì sản phẩm lúc này chỉ là bản mẫu (prototype) chưa hoạt động được thật sự, họ đã nghĩ đến việc mang sản phẩm cơ bản đến với khách hàng của họ thông qua 1 video demo dài 3 phút thể hiện các tính năng chính của ứng dụng Dropbox. Khi danh sách chờ đăng ký cho ứng dụng tăng vọt, những người sáng lập biết ứng dụng của họ thật sự đã đi đúng hướng.

Trong trường hợp này, thay vì khởi chạy một ứng dụng di động MVP thực tế, Dropbox chỉ phát hành khái niệm ứng dụng cơ bản thông qua một video để xác thực người dùng và điều đó thực sự hiệu quả với ứng dụng. Đây là một cách tiếp cận MVP độc đáo mở đường cho một ứng dụng thành công.


Và chúng ta không thể không nhắc đến Uber, một ứng dụng đã làm thay đổi hoàn toàn định nghĩa về Taxi, một công ty Taxi lớn tầm cỡ thế giới mà thật sự không sở hữu bất kỳ một chiếc xe nào, phần này mình dành cho các bạn đọc tự ngẫm nghĩ và tìm hiểu.

Thật sự mô hình MVP đã ảnh hưởng và đồng thời tạo rất nhiều thành công cho các công ty khởi nghiệp về dịch vụ công nghệ.

Còn các bạn thì sao? trong đầu các bạn có 1 ý tưởng nào đặc biệt để thử áp dụng mô hình này không ??

-JT-


Comments


bottom of page