top of page

6 Bước Để Đưa Ý Tưởng Của Bạn Đến Với Thế Giới!


Là một người đồng sáng lập công ty về IoT (Internet of Things) , đam mê công nghệ và là người ủng hộ Thunkable, tôi biết rằng mục tiêu của mỗi người dùng Thunkable là tạo ra một ứng dụng hữu ích và đẹp mắt mà người khác sẽ yêu thích.


Bạn có thể có một số ý tưởng tuyệt vời nhưng bạn không có một con đường rõ ràng nào để biến những ý tưởng đó thành các ứng dụng thực tế mà bạn có thể sử dụng. Tôi ở đây để giúp bạn làm việc đó.


Trong hướng dẫn ngắn gọn này, tôi sẽ cùng bạn đi qua 6 bước mà mọi ứng dụng đều phải trải qua để cạnh tranh trên Apple App Store và Google Play Store.

Trước khi chúng ta bắt đầu, bạn sẽ cần tạo tài khoản Thunkable X của mình và tải xuống ứng dụng thử nghiệm Thunkable Live.


Tôi hứa với bạn là sau khi đọc hướng dẫn này, bạn sẽ biết chính xác những gì cần thiết để biến ý tưởng của bạn thành một ứng dụng hoạt động đầy đủ trên cửa hàng ứng dụng và bạn sẽ có động lực để quay lại làm việc và bắt đầu tạo ứng dụng tốt nhất của bạn . Bạn đã sẵn sàng để bắt đầu? LET’S DO IT!


Bước 1: Ý tưởng (Idea).

Các ứng dụng tốt nhất trên thế giới bắt đầu từ lâu trước khi chạm vào bất kỳ một dòng mã nào. Họ bắt đầu với một ý tưởng tuyệt vời.


Một ứng dụng được thiết kế đẹp mắt vẫn vô dụng nếu như người dùng không tìm được lý do để sử dụng nó. Tuy nhiên, rất nhiều người trong chúng ta (bao gồm cả chính tôi) ban đầu đã cố sức chạy theo ý tưởng đầu tiên xuất hiện trong đầu mình và thời gian sau ý tưởng đó bị bỏ mặc khi không một ai quan tâm đến nó.


Tôi không nói bạn không nên vọc Thunkable, làm theo những bài hướng dẫn và cố gắng thực hiện các dự án nhỏ. Nhưng nếu mục tiêu của bạn là xuất bản một ứng dụng lên Apple App Store hoặc Google Play Store, bạn sẽ khôn ngoan hơn bằng cách dành một ngày để xem xét các lựa chọn của mình.


Trước khi bạn dành vô số thời gian để thiết kế, xếp hình (block) và thử nghiệm ứng dụng của mình, bạn cần một ý tưởng ứng dụng tuyệt vời.


Bây giờ, một ứng dụng tuyệt vời như thế nào thì rất khó biết trước được, nhưng hãy để tôi chia sẻ đến bạn ba bộ lọc mà bạn nên xử lý tất cả các ý tưởng ứng dụng của mình thông qua những bộ lọc này để giúp bạn tiến gần hơn đến một ý tưởng tuyệt vời.


Bộ lọc ý tưởng #1 - Ứng dụng tuyệt vời sẽ giải quyết được (những) vấn đề cụ thể.

Tất cả các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ tuyệt vời đều tồn tại để giải quyết những vấn đề. Điều này cũng đúng với ứng dụng của bạn.


Ứng dụng của bạn có giải quyết được bất cứ sự thất vọng chung nào trong cộng đồng hay làm hài lòng một đối tượng nào đó không? (kể cả thú cưng của bạn, ví dụ như ứng dụng nhật ký chăm sóc thú cưng) Hoặc có thể vấn đề mà ứng dụng của bạn giải quyết là sự nhàm chán? Nó sẽ là một trò chơi mà mọi người nghiện và chia sẻ nó lên mạng xã hội?


Hãy chắc chắn rằng ý tưởng của bạn giải quyết vấn đề VÀ bạn có thể dễ dàng giải thích cách giải quyết vấn đề đó. Khi bạn nói ra được cách giải quyết vấn đề nghĩa là trong đầu bạn đã xuất hiện cách bạn dạy cho ứng dụng giải quyết vấn đề (logic) (those who speak know, câu này là người bạn của tôi hay nói khi chúng tôi là đồng sáng lập công ty)


Bộ lọc ý tưởng #2 - Các ứng dụng tuyệt vời có một cái gì đó độc đáo.

Chú ý lựa chọn từ của tôi. Tôi đã nói rằng, ứng dụng tuyệt vời này rất độc đáo.

Bạn sẽ không phải là người đầu tiên tạo ra một ứng dụng trong thế giới này. Vì vậy, để ứng dụng của bạn trở nên tuyệt vời, nó cần phải có một số chất lượng độc đáo hoặc đáng ngạc nhiên. Tại sao ai đó sẽ chọn ứng dụng của bạn hơn một ứng dụng khác? Hãy suy nghĩ về các ứng dụng bạn thích và tại sao bạn thích chúng.

Ý tưởng của bạn cần có ít nhất một tính năng độc đáo để nổi bật so với các ứng dụng khác.


Bộ lọc ý tưởng #3 - Các ứng dụng tuyệt vời có những người sáng tạo đầy đam mê và tâm huyết.

Không có gì thành công một cách dễ dàng. Bạn có sẵn sàng dành hàng giờ để đọc, để nghiên cứu vào cuối tuần? Đây là đam mê của bạn. (Tôi đã từng làm việc từ 8h sáng đến 1h khuya trong suốt 2 năm liền, tại thời điểm tôi bắt đầu thành lập công ty của mình, hầu hết tôi dành thời gian để nghiên cứu ý tưởng và làm sao để giải quyết những vấn đề đang và sẽ gặp phải).


Bạn phải đam mê ý tưởng của mình vì hai lý do:

  1. Bạn sẽ dành rất rất nhiều thời gian để phát triển ứng dụng của mình.

  2. Bạn sẽ phải tin tưởng vào ứng dụng của mình 110% để phát triển nó.


Nếu bạn không đam mê về ý tưởng hoặc vấn đề mà ứng dụng của bạn giải quyết, bạn có thể sẽ từ bỏ ứng dụng quá sớm.


Ý tưởng ứng dụng của bạn có vượt qua ba bộ lọc / kiểm tra / kiểm thử này không?

Bất kể chủ đề của ứng dụng của bạn là gì - trang điểm, trò chơi chiến tranh, âm nhạc, tiền bạc, thời tiết, pokemon, bất cứ điều gì - nếu bạn đảm bảo rằng mỗi ý tưởng ứng dụng bạn tiến hành giải quyết vấn đề nào đó, có một tính năng độc đáo và là thứ gì đó bạn đam mê, bạn sẽ tiếp tục đến với một ý tưởng ứng dụng tuyệt vời.


Bây giờ bạn đã có một ý tưởng ứng dụng tuyệt vời, điều quan trọng là xác nhận ý tưởng đó. Đây là một bước mà hầu hết mọi người đều bỏ qua, nhưng chúng ta không giống như hầu hết mọi người. Hãy cùng tôi làm một số nghiên cứu trước khi lao vào tạo nên ứng dụng!


Có quá nhiều ý tưởng? Viết tất cả chúng xuống và sắp xếp chúng theo những gì bạn quan tâm nhất. Sau đó chọn top 3 và chuyển sang Bước 2.


Chưa đưa ra được 1 ý tưởng nào? Bạn hãy thử đi bộ xung quanh nhà, trường học hoặc nơi làm việc của bạn. Nhìn xung quanh và suy nghĩ về những điều mà bạn nhìn thấy. Có bất kỳ sự thất vọng nào đến trong tâm trí của bạn không? Nếu có thì bạn muốn giải quyết vấn đề đó như thế nào? Hoặc bạn có thể nói chuyện với bạn bè của mình để tìm ý tưởng không bao giờ là ý tồi (bạn biết không, tôi khởi nghiệp công ty khi nói chuyện với một người bạn và toàn bộ ý tưởng đó được viết trên tờ khăn giấy ở quán Starbuck Lê Lai và sau này các cuộc phỏng vấn trên tivi, hay các cuộc trò chuyện về ý tưởng khởi nghiệp, tôi đều nói ý tưởng xuất phát từ quán startbuck ^^ không biết startbuck có trả tiền pr không ^^)


Bước 2: Nghiên cứu (Research).

Nghiên cứu? Ai quan tâm! HÃY LAO VÀO XẾP HÌNH NGAY !!!

Tôi biết, tôi biết ... nhưng hãy tin tưởng tôi. Bước này sẽ xác nhận rằng ý tưởng của bạn thực sự là một ý tưởng hay và đó có phải là một ứng dụng tốt để có thể thực hiện với nền tảng Thunkable X hay không.


Mọi người nói rằng “nếu bạn có đủ đam mê và hối hả (và bạn trả cho tôi 99,999$), bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn có thể mơ ước!” Tuy nhiên, sự thật là bạn có thể dành nhiều năm để làm một cái gì đó mà cuối cùng không ai biết đến nếu như không ai “muốn” sản phẩm hoặc dịch vụ bạn đang cung cấp.


Vì vậy, trước khi bạn đặt hàng tuần và hàng tháng vào ý tưởng ứng dụng của mình, hãy kiểm tra ý tưởng của mình trong thực tế có khả thi hay không.


Kiểm tra thực tế #1 - Ứng dụng của bạn đã được thực hiện chưa?

Điều này quay trở lại bộ lọc duy nhất trong Bước 1. Bạn cần dành vài giờ để nghiên cứu các ứng dụng khác đã được thực hiện.

Có rất nhiều ứng dụng ngoài kia (đặc biệt là ứng dụng Android). Vì vậy, để đảm bảo ứng dụng của bạn thực sự độc đáo, hãy tìm kiếm trên web, Google Play Store và Apple App Store. Tôi khuyến khích bạn hãy tải những ứng dụng tương tự với ý tưởng của bạn. Xem những gì người khác đang làm. Điều này sẽ cung cấp cho bạn một hương vị của đối thủ cạnh tranh và tính độc đáo của ứng dụng của bạn.


Nếu bạn tìm thấy một ứng dụng đã được tạo cho ý tưởng của mình, bạn có 2 tùy chọn:

  1. Tìm một ý tưởng ứng dụng khác.

  2. Tạo một ứng dụng tốt hơn đối thủ bằng cách tạo ra một ứng dụng độc đáo hơn


Kiểm tra thực tế #2 - Có ai khác nghĩ ứng dụng của bạn là một ý tưởng tốt?

Cho đến nay tất cả những gì chúng ta đã thảo luận đều dựa trên ý kiến và suy nghĩ của riêng bạn. Nhưng bây giờ đã đến lúc bạn thực hiện bước đầu tiên tìm kiếm niềm tin vào ý tưởng của mình và nhận một số phản hồi từ gia đình và bạn bè. Điều này có vẻ đáng sợ, nhưng nó rất đơn giản.


Chỉ cần nói một cái gì đó như “mỗi lần mà bạn sử dụng smartkey mà (quên khoá xe) nó (sẽ làm cho xe máy hết bình và không thể nổ máy)? Tôi có 1 ý tưởng làm ra 1 ứng dụng (để báo cho tôi biết khi quên khoá xe). Bạn thấy nó hữu ích cho mọi người khi sử dụng smartkey honda không?”


Bạn sẽ biết khá nhanh nếu nó có phải là ý tưởng hay hay không. Cố gắng hỏi ý tưởng đó cho 5 - 10 người. Nếu một nửa trong số họ có vẻ quan tâm, thì thành công! Nếu không, thì bạn bè và gia đình của bạn có thể vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức ^^.


Lời khuyên của Mr. J: Trong khi bạn đang có cuộc trò chuyện trên để thăm dò về ý tưởng của mình và nếu ai đó có vẻ không quan tâm đến ý tưởng của bạn, hãy hỏi họ xem họ có ý tưởng ứng dụng nào không. Trong thời đại ngày nay, mọi người thưởng hay nảy ra ý tưởng ứng dụng khi họ gặp phải những thất vọng nho nhỏ trong cuộc sống.


Tôi là một fan hâm mộ lớn của Thunkable X và tôi nghĩ bạn cũng nên như vậy. Bạn có thể tạo một ứng dụng iOS, Android và responsive web thực sự mà không cần viết ra bất kỳ dòng code nào. Tôi vẫn ngạc nhiên về tất cả các tính năng có sẵn dành cho bạn và tôi.


Nhưng một lần nữa, đây là một kiểm tra tính khả thi thực tế. Sự thật là Thunkable X (hoặc bất kỳ phần mềm nào khác) đều có những hạn chế. Thunkable có thể làm rất nhiều, nhưng nó không thể làm được mọi thứ. Giống như BLE (Bluetooth Low Energy)có thể làm được rất nhiều thứ nhưng không phải nó đều giải được tất cả các bài toán về kết nối.


Hãy kiểm kê các tính năng khác nhau mà ứng dụng của bạn sẽ cần: thu thập dữ liệu, hiển thị vị trí trên bản đồ, v.v. Sau đó xác định xem tất cả các tính năng đó có khả dụng trong Thunkable hay không.


Tôi khuyên bạn nên xem qua Tài liệu Thunkable X và nếu bạn chưa quen với Thunkable X, bạn có thể muốn đặt câu hỏi trong Group Thunkable Vietnam hoặc liên hệ trực tiếp với tôi → @ Justin


Bạn đã làm kiểm thử tính khả thi và nghiên cứu? Nếu vậy thì Chúng ta đã đưa ý tưởng ứng dụng tuyệt vời của bạn thông qua rất nhiều bộ lọc. Tôi hy vọng ý tưởng của bạn đã vượt qua tất cả các bộ lọc ý tưởng của tôi và đã được xác thực thông qua nghiên cứu của bạn.


Bây giờ bạn có thể hít một hơi thật sâu và thư giãn! Bạn có cảm thấy tự tin rằng bây giờ bạn có một ý tưởng ứng dụng tuyệt vời không? Chúng ta có rất nhiều công việc phía trước, nhưng bạn xứng đáng nhận được một phần thưởng! Bạn hãy thưởng cho mình một ly cà phê, một ly sinh tố, hoặc một ly trà sữa! (riêng tôi, 1 ngày tôi uống 4 ly cà phê các bạn ah).

Bước 3: Thiết kế (Design).

Chúng ta đã đưa ra một ý tưởng ứng dụng độc đáo để giải quyết vấn đề mà bạn đam mê. Chúng ta đã xác nhận ý tưởng đó có thể thực hiện được thông qua nghiên cứu ban đầu. Bây giờ chúng ta đến bước đầu tiên thực sự liên quan đến việc tạo ứng dụng của bạn trong Thunkable. Cuối cùng cũng được xếp hình - oh yeah!


Thiết kế ứng dụng không chỉ là chọn màu sắc và phông chữ. Thiết kế (còn được gọi là Giao diện người dùng hoặc UI) là cách người dùng của bạn sẽ tương tác với ứng dụng của bạn. Thiết kế nên trực quan và hấp dẫn. Trực quan có nghĩa là người dùng có thể dễ dàng tìm ra cách ứng dụng hoạt động.


Làm cho ứng dụng của bạn trực quan và hấp dẫn trực quan là nhiệm vụ không nhỏ. Các công ty lớn tạo ra các ứng dụng hoặc tạo ra các trang web có cả 1 Team chuyên về thiết kế, công việc duy nhất của họ là tìm cách làm cho Trải Nghiệm Người Dùng (hoặc UX) hấp dẫn hơn.


Nếu bạn muốn ứng dụng của mình nổi bật trên thị trường, nó cần vừa dễ sử dụng vừa kích thích thị giác. Hãy bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về các điều này trước khi bạn thậm chí đặt một nút trên màn hình!


Bắt đầu từ số không.

Nếu bạn chưa sử dụng Thunkable bao giờ, thì bạn đang ở một nơi tuyệt vời! Nếu bạn chú ý, thì tôi là một người hâm mộ trong việc lên kế hoạch trước và sau đó là hành động.

Khi tôi bắt đầu một dự án mới, tôi thích lấy ra một cuốn sổ tay và bút để vẽ ra ý tưởng của mình. Tôi rời khỏi máy tính và đi đâu đó truyền cảm hứng cho tôi. Tôi là người vẽ rất tệ, thường thì chỉ mình tôi hiểu bản vẽ của mình, nhưng cứ vẽ thôi. (Thật không may cho tôi, em tôi lại là người vẽ rất đẹp, em trai tôi làm Concept Design và đã có tên trong nhiều dự án điện ảnh của Netflix).

Hình trên là ý tưởng của tôi về 1 ứng dụng giúp mọi người uống nước đủ mỗi ngày bằng cách chơi game


Nhiều lúc vẽ xong ý tưởng của mình, nhân viên lại hỏi tôi “anh vẽ gì vậy? @@”, cho đến khi tôi giải thích từng hình ảnh thì mọi người mới biết tôi muốn làm gì ^^


Với ý tưởng của bạn trong đầu, hãy viết ra các tính năng tối thiểu (MVP) mà ứng dụng của bạn cần để giải quyết vấn đề. Mục tiêu ở đây là để có được “Minimum Viable Solution” (Giải pháp khả thi tối thiểu) và sau đó chúng ta sẽ thêm những thứ ưa thích sau này.


Giả sử tôi đang tạo một ứng dụng để quản lý tiệm tạp hóa và yếu tố độc đáo của tôi là có thể nhóm các mặt hàng theo nơi tôi sẽ tìm thấy chúng trong cửa hàng. Các tính năng tối thiểu sẽ là:

  • Lưu trữ danh sách các mặt hàng tạp hóa.

  • Thêm / Xóa các mục khỏi danh sách đó.

  • Nhóm các sản phẩm theo danh mục.


Bây giờ bạn đã có một danh sách các yêu cầu tối thiểu, hãy bắt đầu vẽ ra các tính năng sẽ trông như thế nào trên màn hình (prototype). Điều này được gọi là khung lưới hoặc cốt truyện (story boarding). Các bạn hãy tìm hiểu thêm bằng cách hỏi chị Google nhé

Hình trên là khi tôi mở rộng các tính năng của nhân vật ở trang home


Danh sách các tính năng trên cho bạn biết “Ứng dụng có thể làm gì?”. Bước này sẽ cho bạn biết “nó được thực hiện ở đâu trong ứng dụng”. Hãy đặt câu hỏi như:

  • Người dùng sẽ điều hướng giữa các màn hình ở đâu?

  • Ứng dụng sẽ thu thập thông tin đó ở đâu?

  • Người dùng sẽ thấy tính năng đó ở đâu?


Thêm các thành phần (components) trong Thunkable.

Với danh sách các tính năng và bản vẽ của bạn trong tay, đã đến lúc bắt đầu thêm các tính năng đó vào Thunkable. Phần này được hiển thị tốt hơn giải thích, vì vậy đây là một số tài nguyên để bạn bắt đầu:


Bạn sẽ phải cân chỉnh lại thiết kế trong suốt quá trình làm ứng dụng của mình. Bạn sẽ muốn thực hiện các chỉnh sửa khi Xếp hình và thử nghiệm. Nhưng một khi đã có một nền tảng tốt thì các bước tiếp theo sẽ dễ dàng hơn hơn rất nhiều.


Mẹo của Mr. J: Nếu bạn có 10 nút trong ứng dụng của mình, bạn sẽ rất khó xếp hình cho ứng dụng nếu tất cả chúng đều có tên “Nút 1”, “Nút 2”, v.v. Nên Bạn hãy đặt tên cho tất cả các thành phần trong Thunkbale sao cho dễ hiểu và dễ nhớ nhé.


Bước 4: Xếp hình (Blocking).

Đây là điều khiến Thunkable X khác biệt so với bất kỳ IDE nào khác. Bạn sẽ kéo và thả các khối mã để tạo ra một ứng dụng iOS và Android. (tôi hay nói công việc kéo và thả là xếp hình)


“Cuộc chơi sẽ thay đổi”.


Tôi đã từng nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ có thể tạo ra một ứng dụng di động vì tôi bỏ code rất lâu rồi và công việc của tôi đòi hỏi phần thiết kế hệ thống, highlevel và về logic thuật toán nhiều hơn. Có một rào cản giữa tôi và làm ứng dụng di động - kiến ​​thức về ngôn ngữ lập trình & công cụ. Nhưng với Thunkable, rào cản đó đã được gỡ bỏ!

Bây giờ tất cả những gì bạn cần biết là các khái niệm lập trình cơ bản. Và sau đó bạn có thể áp dụng các khái niệm đó bằng cách sử dụng các khối.


Khái niệm lập trình #1 - Biến

Tại cốt lõi, tất cả các code chỉ là lưu trữ và cung cấp dữ liệu. Nhưng bạn không muốn luôn luôn hiển thị cùng một dữ liệu cho tất cả mọi người hoặc mãi mãi thực hiện một số tác vụ giống nhau. Các biến cho chúng ta sức mạnh để thu thập dữ liệu và kiểm soát khi dữ liệu đó được hiển thị và còn làm nhiều việc hơn thế nữa!

Các biến giữ dữ liệu để bạn có thể đặt câu hỏi như “Tin Râu có phải là người dùng hiện tại không?” Hay “người dùng có bấm nút tự huỷ (tên nút) không?

Các biến có thể lưu trữ số, văn bản hoặc giá trị đúng / sai trong Thunkable.

Loại biến

Ví dụ

Khái niệm Lập trình #2 - Sự kiện

Sự kiện là hành động. Hành động được thực hiện bởi người dùng hoặc chính ứng dụng. Dưới đây là một số ví dụ:

  • Nhấp vào nút.

  • Mở màn hình.

  • Bước vào bán kính 50 mét từ nhà.


Sự kiện báo cho ứng dụng làm điều gì đó khi sự kiện đó xảy ra. Các khối sự kiện phổ biến nhất trong Thunkable là “when the button is clicked” và ‘When the screen Starts”.

Ví dụ:

  • Khi nhấp vào nút “show” thì sẽ hiển thị hình động mèo con.

  • Khi màn hình bắt đầu, hãy lấy thông tin vị trí của người dùng và hiển thị lên màn hình.


Khái niệm lập trình #3 - Logic

Giả sử bạn đang tạo một trò chơi và bạn muốn hiển thị điểm lên bảng xếp hạng. Một cách tiếp cận để làm điều này là hiển thị tất cả tên người dùng của người chơi với số điểm trên 100. Sử dụng các khối logic, ứng dụng có thể xem từng điểm số của người chơi và kiểm tra IF điểm của người chơi lớn hơn 100, THEN thêm họ vào bảng xếp hạng.

Câu lệnh IF (hoặc câu hỏi) là nền tảng của việc sử dụng logic trong ứng dụng của bạn. Logic cho phép bạn kiểm tra xem một cái gì đó là Đúng hay Sai và sau đó làm một cái gì đó dựa trên kết quả.


Logic, Sự kiện và Biến, tất cả phối hợp với nhau trong một điệu nhảy. Thông thường khi xảy ra Sự kiện thì kiểm tra Logic được kích hoạt để kiểm tra giá trị của Biến và sau đó thực hiện một thao tác nào đó.


Khái niệm lập trình #4 - Chức năng (function)

Một chức năng trong lập trình là một đoạn mã thực hiện một nhiệm vụ cụ thể. Nhiệm vụ đó thường được biểu thị bằng tên của hàm.


Một hàm có tên ‘Taomotsongaunhien” có thể hiển thị một số ngẫu nhiên trong khoảng từ 1 đến 100 trên màn hình. Và một chức năng gọi là ‘Luuthongtindangky” Có thể lấy tất cả các giá trị được nhập trên màn hình và lưu trữ chúng trong cơ sở dữ liệu.


Nhưng chức năng không chỉ là tách các khối ra cho dễ nhìn mà chức năng còn cho phép bạn sử dụng lại các đoạn mã cho các sự kiện khác nhau trong ứng dụng của bạn.


Trong ví dụ trên, bạn có thể muốn lưu thông tin người dùng khi nhấn nút ‘Lưu” hoặc khi nhấn nút “Tạo tài khoản”. Cả 2 sự kiện này đều gọi 1 chức năng “luuthongtindangky”. Bạn chỉ cần tạo ra 1 chức năng nhưng có thể sử dụng nhiều lần


Khái niệm lập trình #5 - Vòng lặp

Các vòng lặp giống như các hàm trong đó chúng cho phép bạn sử dụng lại các khôí mã, NHƯNG các vòng lặp hay hơn một chỗ là nó sẽ tự động lặp lại các khối mã cho đến khi có một sự kiện xảy ra.


Vòng lặp rất hữu dụng, có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ về việc sử dụng các vòng lặp:

  • Thay đổi màu của nút 10 lần.

  • Gửi thông báo cho mỗi người dùng trong cơ sở dữ liệu.

  • Tạo ra 3 số ngẫu nhiên.

Tất cả những hành động này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các vòng lặp.


Đến đây thì bạn đã làm quen với một số khái niệm cơ bản về lập trình, đã đến lúc bắt đầu kết nối các phần khác nhau của ứng dụng bằng các khối.


Một lần nữa, phần này được trình chiếu tốt hơn so với giải thích, vì vậy đây là một số tài nguyên để bạn bắt đầu:

Theo thiết kế, mỗi ứng dụng là khác nhau và có yêu cầu khác nhau. Vì vậy, bạn có thể sẽ gặp phải một số rào cản khi tạo ứng dụng của mình và thỉnh thoảng không thể tìm ra nguyên nhân tại sao nó không hoạt động, hay bạn không tìm ra được cách giải quyết vấn đề của mình. Khi điều này xảy ra, tôi khuyên bạn nên làm như sau theo thứ tự này:

1. Tìm kiếm YouTube.

2. Tìm kiếm Thunkable X Documentation.

3. Tìm kiếm Thunkable Community.


Bước 5: Kiểm Thử (Testing).

Chúng ta đã chuyển từ một ý tưởng tuyệt vời sang một ứng dụng hoạt động thực sự bằng cách sử dụng Thunkable. Ứng dụng được tạo ra từ một ý tưởng tuyệt vời có thể giúp bạn tăng lượt tải xuống rất nhiều, nhưng “kiểm thử” và “đánh bóng” ứng dụng sẽ giúp người dùng của bạn hài lòng và quay lại.


Chúng ta đều sẽ phát điên khi chúng ta biết một phần mềm được cho là sẽ làm một cái gì đó nhưng nó lại không làm việc hoặc nó làm sai so với thiết kế ban đầu. Chúng được gọi là lỗi (bugs) - và không ai thích lỗi (kể cả nguời tạo ra ứng dụng và người sử dụng ứng dụng).


Ứng dụng của bạn không chỉ được đánh bóng chức năng mà còn phải được đánh bóng trực quan. Vì vậy, hãy để Lướt qua một vài bài tập để đánh bóng ứng dụng của bạn.


Bài tập đánh bóng #1 - Kiểm tra tính ổn định (stress testing)

Khi tạo ứng dụng, rất có thể bạn đã thử nghiệm bằng cách sử dụng phương pháp “Happy Path”, có nghĩa là bạn muốn điều gì đó xảy ra, bạn tiến hành thay đổi các khối, sau đó bạn sẽ kiểm tra xem điều gì bạn muốn xảy ra có thực sự xảy ra không.

Stress Testing là kiểm tra các giới hạn của ứng dụng của bạn. Bạn thực sự đang cố gắng “phá” ứng dụng và tìm lỗi của nó. Nếu bạn tìm thấy các lỗi và sửa chúng, thì người dùng của bạn sẽ không trải nghiệm lỗi đó nữa. (Giảm trải nghiệm xấu cho khách hàng).


Một số ví dụ về các bài stress test:

  • Điều gì sẽ xảy ra khi bạn nhấn nút nhiều lần trong thời gian ngắn?

  • Điều gì sẽ xảy ra khi bạn nhập văn bản vào một trường đang mong đợi bạn nhập một số?

  • Điều gì xảy ra khi bạn đăng nhập từ thiết bị hoặc tài khoản khác?

Trên mỗi màn hình trong ứng dụng của bạn, hãy tự hỏi “Làm thế nào tôi có thể “phá” nó?


Bài tập đánh bóng #2 - Hiệu đính

Bây giờ ứng dụng của bạn đã được đánh bóng chức năng, đã đến lúc đảm bảo nó được đánh bóng trực quan.


Bạn hãy lướt qua ứng dụng của bạn và tìm kiếm từng mục sau đây:

  • Chính tả và ngữ pháp đúng.

  • Loại phông chữ và kích thước chính xác.

  • Màu sắc chính xác.

  • Khoảng cách và kích thước chính xác của các phần tử trong ứng dụng.

Bài tập đánh bóng #3 - Đánh giá ngang hàng (beta testing)

Nếu bạn giống như nhiều người, quá trình tạo ứng dụng của bạn cho đến nay vẫn là một nỗ lực cá nhân. Nhưng vì ứng dụng của bạn sẽ được sử dụng bởi những người khác sau khi nó được xuất bản, nên một ý tưởng hay là nhận được một số phản hồi tích cực từ những người khác trước khi bạn trải qua quá trình xuất bản.


Một nơi tốt để bắt đầu ý tưởng này là quay lại với bạn bè hoặc gia đình mà bạn đã nghiên cứu ở Bước 2. Bạn cũng có thể muốn tiếp cận với những người quan tâm đến ứng dụng của bạn.


Để tránh bất kỳ sự chậm trễ hoặc phản kháng nào, tôi đã tìm ra cách tiếp cận tốt nhất cho bài tập này là cho các đồng nghiệp, bạn bè chạy thử ứng dụng ngay trên điện thoại của bạn thay vì cố bắt người ta cài đặt ứng dụng vào thiết bị của họ.


Mẹo của Mr. J: Ứng dụng của bạn sẽ được tải xuống và sử dụng trên các điện thoại khác nhau. Và vì mỗi điện thoại có một chút khác nhau về kích thước và độ phân giải màn hình, nên bạn hãy chc chn rằng ứng dụng của bạn không bị lỗi hiển thị trên các thiết bị khác nhau. (Bạn hãy sử dụng các ứng dụng giả lập để kiểm thử hiển thị nội dung).


Bước 6: Xuất bản (Publish).

Cuối cùng, chúng ta đã đến bước thứ 6 và cũng là bước cuối cùng trong việc đưa 1 ý tưởng tuyệt vời đến với cửa hàng ứng dụng. Chào mừng bạn đến quá trình thú vị của việc xuất bản ứng dụng của chính bạn! Đây là bước cuối cùng đưa ứng dụng của bạn đến phần còn lại của thế giới.


Nếu bạn nhớ lại, một trong những lý do tôi yêu Thunkable X đó là nó tạo ra cả phiên bản iOS, Android và cả web-app chỉ từ một codebase duy nhất. Trong quá khứ và kể cả hiện tại, các nhà phát triển ứng dụng đôi khi sẽ cần tạo 3 ứng dụng khác nhau cho 3 nền tảng khác nhau bằng 3 ngôn ngữ mã hóa khác nhau.


Bạn sẽ cần phải quyết định xem bạn muốn xuất bản lên Apple App Store, Google Play Store hay cả hai. Tôi khuyên bạn nên xuất bản cho cả hai nếu có thể.

Các chi tiết về việc xuất bản ứng dụng trên thunkable có thể sẽ thay đổi vào một thời điểm nào đó trong tương lai, hãy xem các yêu cầu hiện tại về xuất bản của Thunkable.


Nhưng trước khi bạn thực sự trải qua quá trình xuất bản, bạn sẽ cần tạo một số hình ảnh để quảng bá ứng dụng của mình trên các cửa hàng ứng dụng.


Bạn sẽ cần 4 hình ảnh nếu bạn đang xuất bản lên cả Google Play Store và Apple App Store. Tôi có một hướng dẫn tuyệt vời mà chi tiết tất cả về điều này. Dưới đây là các hình ảnh đồ họa bạn cần.


Hình ảnh #1 - Biểu tượng ứng dụng.

Biểu tượng ứng dụng là những gì người dùng sẽ chọn để mở ứng dụng của bạn. Nó phải là một dấu hiệu trực quan cho những gì được tìm thấy trong ứng dụng của bạn. Bạn hãy mở cửa hàng ứng dụng và xem 100 ứng dụng hàng đầu trong thể loại của bạn, để xem đối thủ của bạn đang sử dụng biểu tượng gì, sau đó thiết kế ứng dụng của bạn để nổi bật giữa các đối thủ.


Tôi khuyên bạn nên sử dụng canva (vì nó rất dễ sử dụng). Tôi thường sử dụng mẫu Instagram Post (hình vuông) với kích thước 1080 x 1080 pixel cho kích thước biểu tượng của tôi. Khi thiết kế, tôi đã thêm một nền gradient cùng với một hình ảnh duy nhất.


Sau khi bạn tạo biểu tượng ứng dụng của mình, bạn sẽ cần thay đổi kích thước biểu tượng để sử dụng phù hợp trên các nền tảng.


Hình ảnh #2 - Ảnh chụp màn hình ứng dụng.

Sau khi chụp ảnh màn hình ứng dụng của bạn trên điện thoại, hãy truy cập ShotBot.io để tạo ra một số đồ họa đẹp. Chọn một mẫu miễn phí, tải lên ảnh chụp màn hình của bạn và sau đó tùy chỉnh văn bản.


ShotBot yêu cầu một kích thước ảnh chụp màn hình đủ lớn nhất định nhưng đừng quá lo lắng nếu ảnh chụp màn hình của bạn không đủ lớn. Phần mềm sẽ tự thay đổi kích thước hình ảnh của bạn


Hình ảnh #3 - Ảnh chụp màn hình máy tính bảng (Apple Store).

Thunkable sẽ tự động đẩy phiên bản iPad của ứng dụng của bạn lên Apple App Store. Điều này có nghĩa là bạn cũng sẽ được yêu cầu tạo ảnh chụp màn hình iPad. Đừng bỏ qua bước này! Ứng dụng của tôi ban đầu bị từ chối cũng vì lý do này.


Vì ShotBot không có các mẫu cho máy tính bảng, nên tôi đã sử dụng https://www.appstorescreenshot.com để tạo ảnh chụp màn hình máy tính bảng.


Hình ảnh #4 – Biểu ngữ (Google Play).

Tôi đã sử dụng cùng một biểu tượng và ảnh chụp màn hình được tạo ở trên cho Cửa hàng Google Play. Tuy nhiên, Google Play có thêm một yêu cầu cho ảnh biểu ngữ. Và tôi đã thiết kế biểu ngữ trog canva.


Biểu ngữ phải có kích thước 1024 x 500 pixel. Ngoài ra, bạn hãy thiết kế để giới thiệu các tính năng tốt nhất trong ứng dụng của bạn. Banner này giống như một biển quảng cáo, vì vậy nó sẽ lôi kéo mọi người muốn sử dụng thử ứng dụng của bạn.

Xuất bản lên Apple App Store.

Bây giờ bạn đã sẵn sàng để xuất bản ứng dụng của mình. Từ kinh nghiệm xuất bản của tôi trên Apple App Store sẽ mất nhiều thời gian hơn so với Google Play Store. Apple yêu cầu thêm nhiều thông tin và có quy trình đánh giá nghiêm ngặt, họ thực sự tải xuống và xem xét ứng dụng của bạn.


Apple App Store yêu cầu bạn phải có tài khoản nhà phát triển của Apple. Tài khoản này có giá 99$ một năm (và hiện tại đang rất khó tạo tài khoản mới khi bạn đang ở ngoài nước Mỹ) . Đây sẽ là một khoản tiền lớn nếu bạn chỉ mới bắt đầu hoặc đang là học sinh, sinh viên. Bạn nên xem xét loại người dùng của bạn và cân nhắc những ưu và nhược điểm. (user của bạn sẽ sử dụng android nhiều hơn hay ios nhiều hơn).

Khi bạn có các tệp hình ảnh đồ họa và tài khoản nhà phát triển của mình, bạn đã sẵn sàng để xuất bản!


Thunkable có một hướng dẫn rất tuyệt vời tóm tắt quá trình này.

Có rất nhiều bước trong quy trình này và các chi tiết có thể sẽ thay đổi tại một số điểm. Vì vậy, thay vì liệt kê chúng ở đây, bạn nên xem tài liệu xuất bản Thunkable của Apple App Store.


Mẹo của Mr. J: App Store và Google phay yêu cầu chính sách quyền riêng tư để xuất bản. Nếu bạn chưa có, tôi đã sử dụng https://app-privacy-policy-generator.firebaseapp.com để tạo ra policy cho ứng dụng của tôi. Chỉ cần trả lời một vài câu hỏi và Firebase sẽ tạo ra chính sách cho riêng bạn.


Xuất bản lên Google Play Store.

Cửa hàng Google Play cũng yêu cầu bạn phải có tài khoản nhà phát triển Google, nhưng đây là khoản phí 25$ cho 1 lần và mãi mãi. Số tiền này dễ tiếp cận hơn nhiều. Đây là một lý do có nhiều ứng dụng trên Google Play Store hơn Apple App Store.

Bạn có thể đọc các bước để xuất bản ứng dụng lên google play của thunkable ở đây.


THAT’S IT!


Chỉ vậy thôi, bạn của tôi. Bây giờ bạn đã biết 6 bước để tạo ứng dụng của mình trong Thunkable X.


Chúng ta đã học được rằng tất cả sẽ bắt đầu với một ý tưởng tuyệt vời được xác nhận thông qua nghiên cứu. Bạn biết nơi để bắt đầu và tìm sự giúp đỡ khi thiết kế ứng dụng của bạn. Bạn đã học được 5 nền tảng của lập trình3 bước để kiểm thử các khối mã của bạn.


Bạn có tất cả thông tin bạn cần để bắt đầu VÀ xuất bản ứng dụng của bạn. Bạn đã đi từ một Ý TƯỞNG đến việc XUẤT BẢN ứng dụng của bạn đến phần còn lại của Thế Giới.


Tôi muốn cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc hướng dẫn này! Nếu bạn từng bị mắc kẹt trong hành trình sáng tạo của mình, tôi sẽ ở bên bạn ^^.


Bây giờ đây là thời điểm để bắt đầu hành động!

Happy blocking!

Comments


bottom of page